Chiêm Hóa nỗ lực đẩy lùi tảo hôn

Tại huyện Chiêm Hóa, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt.
 

Toàn huyện Chiêm Hóa có trên 132.000 khẩu, với 18 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%. Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện, đến nay, huyện không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp tảo hôn. Cụ thể, năm 2022, toàn huyện còn có 13 trường hợp tảo hôn, năm 2023 ghi nhận thêm 13 trường hợp tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung ở một số xã, như: Kiên Đài, Linh Phú, Phú Bình...

Trưởng thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ anh Tòng Càn Tá tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho người dân trong thôn.

Để hạn chế tình trạng này, huyện Chiêm Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt. Theo đó, UBND huyện đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền, như: truyền thông phóng sự truyền hình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - hệ lụy khôn lường; phóng sự truyền thanh tuyên truyền về hệ lụy từ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống làm ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS; tổ chức chương trình tuyên truyền lưu động tổng hợp tại các xã. Đồng thời huyện cũng tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi họp, sinh hoạt của thôn và đoàn thể hội; thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các cụm xã. Xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình, như: Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại các xã, trường học... Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2023, 100% cơ sở trên địa bàn huyện thực hiện tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với hơn 25.660 lượt người nghe.

Xã Hùng Mỹ có trên 6.000 người dân, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 94%. Đồng chí Đặng Thị Ghến, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, trước đây, bình quân 1 năm xã có ít nhất từ 3 đến 4 trường hợp tảo hôn. Từ khi triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2021 - 2025, xã Hùng Mỹ đã được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, xã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cấp xã và  12 tổ tư vấn phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các thôn. Thành viên các tổ tư vấn gồm có trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể, y tế thôn bản và người có uy tín của thôn. Tổ tư vấn có nhiệm vụ tuyên truyền và nắm bắt các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết để tuyên truyền, vận động, phân tích cho người dân hiểu và nắm rõ quy định pháp luật. Kết quả trong 3 năm (từ 2021 đến 2023), xã Hùng Mỹ chỉ có 1 trường hợp tảo hôn trong tổng số 105 cặp kết hôn.


Đoàn viên thanh niên xã Tri Phú tham gia hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về kết hôn tảo hôn và
hôn nhân cận huyết thống năm 2023.

Thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ có 119 hộ dân, trong  đó phần lớn là đồng bào dân tộc Mông và Dao. Anh Tòng Càn Tá, Trưởng thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ cho biết: trước đây do nhận thức của bà con còn hạn chế nên cha mẹ thường bắt con nghỉ học sớm lấy chồng lấy vợ để có người làm. Việc đó dẫn tới thôn có tình trạng tảo hôn. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt của các chi đoàn, chi hội, thôn đều lồng ghép tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, giới tính, Luật Hôn nhân và Gia đình đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đồng thời, trong hương ước của thôn cũng quy định rõ không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống... Nhờ đó, nhận thức của người dân về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên rõ rệt, đưa Sơn Thủy trở thành điểm sáng 5 năm liền không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền kiến thức pháp luật về hôn nhân, gia đình, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội về phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trên địa bàn huyện.     

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục