Ngăn chặn nạn kích giun đất

Bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, thời gian gần đây, tình trạng kích giun đất lại rộ lên, gây bức xúc trong Nhân dân và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Khẩn trương, cấp thiết ngăn chặn nạn kích giun đất là mong mỏi của nhiều người dân.

Vùng cây ăn quả trọng điểm của huyện Yên Sơn bao gồm các xã Xuân Vân, Trung Trực... tình trạng kích bắt giun đất tồn tại từ nhiều năm nay và có chiều hướng gia tăng.

Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, các nhóm kích bắt giun đất hoạt động rất phức tạp, có thể đi theo nhóm vài ba người, cũng có thể đi một mình. Cứ đến hẹn lại lên, khi mùa mưa đến cũng là mùa sinh sản của giun đất thì nạn kích điện, bắt giun đất lại diễn ra, năm sau số lượng người tham gia nhiều hơn năm trước.

Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân chia sẻ trong sự lo lắng, nếu như năm 2021 - 2022 số lượng người kích bắt, sơ chế giun đất đếm được trên đầu ngón tay, còn hiện nay phải thống kê ra giấy. Số liệu tổng hợp sơ bộ của xã đến thời điểm tháng 8-2023, toàn xã có 500 người tham gia kích bắt, sơ chế với 262 bộ kích điện và 30 lò sấy giun. Một câu hỏi đặt ra, với số lượng người tham gia và lượng máy kích điện trà sát trên từng mét đất liệu có con giun nào thoát thân? 

Nhóm phóng viên có mặt tại thôn Sơn Hạ, xã Xuân Vân (Yên Sơn), một trong những thôn có số lượng người hành nghề kích bắt, sơ chế giun đất nhiều nhất lên đến 200 người và cũng là thôn có nhiều lò sấy nhất với 9 lò sấy hoạt động ngày, đêm. Mặc dù phóng viên đã đóng vai cán bộ nông nghiệp cùng cán bộ khuyến nông của xã xuống nắm tình hình nhưng khi hỏi qua về chuyện kích bắt, sơ chế giun đất, ông Lê Hồng Vinh, Trưởng thôn Sơn Hạ vô cùng e ngại. Theo lời ông Vinh, ông đã bị chính người dân trong thôn dằn mặt, chửi đổng, thậm chí là ném đá nhiều lần vì tuyên truyền, nhắc nhở họ không tham gia vào việc đánh bắt, sơ chế giun đất.

Giun đã được sấy khô cho đầu nậu thu mua.

Giáp ranh với xã Xuân Vân, xã Trung Trực lâu nay cũng trở thành điểm nóng của nạn kích diệt giun đất. Qua rà soát của Công an xã, có 12 lò sấy giun, đây cũng chính là các điểm tập kết thu mua giun sống. Theo lời chủ một cơ sở chế biến giun đất, tại thôn Đồng Chãu, xã Trung Trực ngoài kích bắt, cơ sở phải mua gom từ những người đi đánh bắt từ các vùng lân cận. Giá thu mua 1 kg giun sống khoảng 35 - 40 nghìn đồng, cao điểm có những ngày phải mua lên đến 55 nghìn đồng.

Không riêng tại các địa phương huyện Yên Sơn, nạn kích giun đất xuất hiện rải rác trên địa bàn huyện Sơn Dương từ năm 2019. Tuy nhiên thời điểm gần đây nạn kích diệt giun đất lại gia tăng ở mức báo động. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 125 hộ/189 người tham gia kích diệt giun đất, tập trung nhiều nhất ở xã Minh Thanh, Trung Yên. 

Giun sau khi bị kích, sẽ được bán cho các lò sấy. Anh M.V.M, chủ một lò sấy giun ở thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, thiết kế lò sấy giun khá đơn giản, chỉ chừng 10 m2/lò, quây kín các tấm tôn và lắp dàn sắt gác các tấm lưới phơi giun lên. Phía dưới để trống đưa củi vào sấy. Mỗi mẻ sấy giun bằng củi khoảng 4 giờ. Trung bình khoảng 10 kg giun tươi nếu sấy khéo được 1 kg giun khô; giun đồng khoảng 12 kg được 1 kg giun khô. 

Đồng chí Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Hội Kế cho biết, qua kiểm tra, thôn Hội Kế có 5 hộ mua bán và chế biến giun, UBND xã đã nhắc nhở, yêu cầu các hộ ký cam kết dừng hoạt động. Phớt lờ yêu cầu của chính quyền địa phương các cơ sở vẫn hoạt động.

 Giành giật sự sống cho giun

Sau cơn mưa kéo dài cả đêm, con đường dẫn đến vườn bưởi của gia đình bà Lê Thị Sản, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên (Sơn Dương) trơn trượt và lầy lội hơn. Phải mất 30 phút đi bộ bà Sản mới lên đến vườn để canh các đối tượng kích giun đất. Bà Sản bày tỏ, chồng bà đi làm ăn xa, chỉ có 2 mẹ con ở nhà, cứ hôm nào bà không lên lán canh được thì hôm sau vườn toàn giun chết, cây cỏ khô héo. Cả ngày làm, lẽ ra buổi trưa và tối, đêm được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động nhưng mấy tháng nay, bà và nhiều chủ vườn phải thấp thỏm canh các đối tượng vào vườn kích giun, hại cây, hại đất. Tất cả vốn, công sức, tâm huyết tôi đều dồn vào làm vườn. Giờ nếu nạn kích giun vẫn tiếp diễn, cây bị chết thì không biết tôi lấy gì mà nuôi con.

Cũng trong tình trạng như bà Sản, mặc dù trông ngày, trông đêm, nhưng anh Lương Văn Phan, thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) vẫn không thể giành giật nổi sự sống cho những con giun trước vấn nạn kích diệt đang tràn lan hiện nay. Anh Phan chia sẻ, "Mình canh họ nhưng họ lại theo dõi mình, lúc không có ở vườn sẽ vào kích, nhất là lúc 2 - 3 giờ sáng. Trộm cây, quả năm sau còn ra quả khác, chứ kích giun thì hỏng cây từ gốc, từ đất".

Bà Trần Thị Bình, thôn Khuôn Khán, xã Xuân Vân (Yên Sơn) không thể ăn ngon, ngủ yên với nạn kích diệt giun đất. Bà Bình chia sẻ, gia đình có khoảnh vườn, giành giật sự sống cho phận "con giun, cái kiến" bà phải rượt từ vườn này đến vườn khác xua đuổi những người đi kích diệt giun. Sâu sát là vậy nhưng cũng chỉ bảo vệ được ban ngày, còn ban đêm cũng đành chấp nhận - bà Bình buồn rầu nói.

Công an xã Trung Yên (Sơn Dương) thu giữ bộ kích giun bằng xung điện.

Theo người dân cho biết, thiết bị sử dụng để kích điện, đánh bắt giun nhập từ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có thể gây ra nguy hiểm cho người sử dụng. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người ngày ngày vẫn mang máy kích điện đi cày nát những thửa đất nông nghiệp để bắt giun gây ra tình trạng "lợi bất cập hại".

Đánh bắt giun bằng xung điện đã tận diệt từ trứng đến giun trưởng thành trong đất. Không chỉ loài giun cả hệ sinh thái trong đất cũng bị tàn sát. Theo tài liệu khoa học, mỗi một gam đất có tới 6 triệu con vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Tình trạng này tiếp diễn đất sẽ trở nên chai lì, dưới tác động của mưa, nắng dẫn đến bạc màu, không thể canh tác, ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.

Vai trò của chính quyền địa phương

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước tình trạng kích diệt giun đất đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tiếp có các công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã nắm tình hình, rà soát số lượng người tham gia kích diệt, thu mua, chế biến giun đất. 

Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân (Yên Sơn) khẳng định, xã đã yêu cầu các hộ có tên trong danh sách kích diệt giun đất lên trụ sở xã để làm việc và ký cam kết dừng ngay hành vi tận diệt giun. Cùng với đó, xã cũng chỉ đạo lực lượng công an xã, dân quân tuần tra, thu giữ tất cả các bộ kích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm hư hại môi trường đất, nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng. 

Thông tin từ UBND huyện Sơn Dương, huyện cũng đã có Văn bản số 1898/UBND-NLN chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động đánh bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn huyện; nâng cao ý thức, vận động người dân không sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất tự nhiên và không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun; kịp thời phát hiện hành vi khai thác giun trái phép và thông báo cho cơ quan, lực lượng chức năng để ngăn chặn, bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo phản ánh các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, để ngăn chặn hiệu quả việc kích diệt giun đất, cấp có thẩm quyền cần có chế tài xử lý rõ ràng. Bởi trên thực tế việc khai thác giun đất là hành vi bị cấm theo khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Nhưng khi phát hiện, các địa phương cũng chỉ lập biên bản buộc dừng và quản lý, theo dõi để người dân không tiếp tục vi phạm chứ chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định, có chế tài xử phạt đối với việc khai thác, đánh bắt, mua bán, vận chuyển những động vật quý hiếm. Trong khi đó đối với giun đất, các sinh vật khác trong đất lại không có quy định nào để xử phạt được. Hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, theo Nghị định số 42 của Chính phủ thì người đánh bắt sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 đến 50 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm. Trong khi đó, hành vi kích giun đất bằng xung điện cũng để lại hậu quả tương tự như kích cá nhưng lại chưa có trong quy định xử phạt.

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong khi chờ có chế tài cụ thể, để ngăn chặn nạn kích diệt giun đất, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tuyên truyền để bà con hiểu được vai trò của giun đất đối với hệ sinh thái trong đất.

Mà giải pháp căn cơ nằm ở chính các địa phương, chính quyền cấp xã phải bám sát địa bàn hơn nữa, khi phát hiện các trường hợp bắt giun đất bằng kích điện, phải lập biên bản, tịch thu phương tiện ngay; kiểm tra xử lý các cơ sở sơ chế giun đất không có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Khi các lò sấy giun được dập tắt sẽ ngăn chặn được hành vi kích bắt giun đất, bởi giun bắt không được chế biến ngay rất dễ phân hủy.


Đồng chí Phạm Hữu Tân
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương

Tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý

UBND huyện Sơn Dương đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động đánh bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều máy kích điện, đồng thời nhắc nhở, yêu cầu các hộ tham gia đánh bắt, mua bán, sơ chế giun đất ký cam kết dừng hoạt động.

Tuy nhiên, Sơn Dương cũng như các địa phương khác đang gặp vướng mắc vì chưa có chế tài xử lý. Bởi trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể, khung pháp lý làm căn cứ xử lý các trường hợp đánh bắt giun đất. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại nghiêm trọng từ việc đánh bắt, thu mua, sơ chế giun đất trái phép đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên, từ đó có biện pháp tự bảo vệ vườn đồi của gia đình mình. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm.



Ông Trần Hải Tuyên
Chi  cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cần có giải pháp mạnh tay

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát tình hình đánh bắt, mua bán, sơ chế giun đất. Trên cơ sở đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh sớm có quy định, biện pháp mạnh tay để ngặn chặn nạn kích bắt giun, bảo vệ môi trường đất. Trong quá trình chờ UBND tỉnh có giải pháp, Sở đã làm việc với ngành Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý thị trường, Công an... tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của nạn kích bắt giun đất và xử lý các hành vi vi phạm hủy hoại môi trường đất, kinh doanh thiết bị kích điện không đảm bảo kỹ thuật, không có nguồn gốc rõ ràng.


Chị Lý Thị Moang
Thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa)

Bảo vệ đa dạng sinh học đất nông nghiệp

Giun đất là "người bạn" có ích với môi trường đất. Khi giun di chuyển, đào hang, sẽ tạo ra các khoảng trống, tạo độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất, giúp đất thông thoáng, giữ độ ẩm tốt hơn, tạo điều kiện cho rễ cây sinh trưởng, phát triển.

Việc đánh bắt giun trái phép sẽ làm suy giảm chất lượng đất, phá vỡ đa dạng sinh học, khi đất bị nén chặt, bộ rễ của cây sẽ khó hút chất dinh dưỡng từ đất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm nghiệp, tới năng suất, chất lượng cây trồng.

Tôi mong các cơ quan chức năng có nhiều hơn các hình thức tuyên truyền về tác dụng của giun đất với đa dạng sinh học nhằm bảo vệ, giữ gìn chất lượng đất. Nếu các đối tượng có hành vi cố tình khai thác giun đất, khi đủ căn cứ, thì cần kiên quyết xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.



Ông Đặng Văn Thành
Thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên)

Sớm có chế tài xử phạt thích đáng

Vườn cam hữu cơ 9 năm tuổi của gia đình tôi rộng hơn 3ha. Để có được vườn cam tươi tốt như hôm nay, gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức và cả tâm huyết. Vườn cam được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ nên không chỉ tốt cây mà giun cũng sinh sôi và lớn rất nhanh. Giun nhiều sẽ làm tơi xốp đất khiến cho cây phát triển khỏe mạnh, vậy mà giờ đây, giun bị kích trộm khắp nơi.

Gia đình tôi cũng cắt cử người canh gác nhưng vườn rộng, canh chỗ này thì chúng lại chạy chỗ khác. Để ngăn chặn được nạn kích giun, tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có chế tài xử phạt thích đáng, dẹp lò sấy giun bởi tận diệt giun là hủy hoại môi trường, hủy hoại sản xuất nông nghiệp, hành vi rất đáng lên án.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục