Tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, để đồng bào không đứng ngoài xu thế này.

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), cụ thể là triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS & MN.

Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhưng là sự phát triển đột phá, bởi nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ giúp các chính sách tiếp cận tới từng đồng bào ở từng khu vực một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Chị Triệu Thị Khé, dân tộc Tày, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã cùng với trên 250 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh được tham gia Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì tổ chức. Tại đây, chị và các học viên đã được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Chị Khé cho hay: mặc dù đã biết qua về những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính nhưng khi tham gia lớp tập huấn, chị hiểu sâu hơn, cũng như được thực hành trực tiếp trên máy. Sau khi học xong, chị đã tích cực truyền đạt lại những nội dung đó đến hội viên, nhân dân trên địa bàn.

Anh Nguyễn Quang Thắng, Bí thư Đoàn xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, tại lớp tập huấn, anh được bồi dưỡng kỹ năng tạo lập, biên tập thông tin, nội dung số, phương pháp truyền thông quảng bá hình ảnh và sản phẩm của địa phương. Qua đó, anh nắm được những kỹ năng chụp ảnh sản phẩm sao cho đẹp, viết bài về sản phẩm sao cho thu hút tương tác và cách quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo. Anh sẽ nỗ lực tham gia chuyển đổi số, quảng bá, sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, anh sẽ tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso… để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, nhân dân mở gian hàng online trên nền tảng số. Đây là giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN tại địa phương.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang - Ma Quang Hiếu, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc; tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng 5G. 100% đồng bào dân tộc được kết nối, đối thoại với người làm công tác dân tộc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực như: chính quyền có thể giao tiếp với người dân qua Zalo, cung cấp dịch vụ trực tuyến; cài đặt các hệ thống cảm biến, camera theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội… để có thông tin trực tuyến…

Hơn 1 năm nay, nhờ có lắp đặt mạng Internet, bà Vi Thị Hà ở bản Khúa, xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh để gọi điện và thấy hình ảnh của các con cháu ở xa. Không những thế, nhờ có mạng Internet giúp việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình bà cũng trở nên dễ dàng hơn trước. “Bây giờ mạng vào trong bản, trong làng rồi tiện tích các thứ như nạp tiền điện, tiền điện thoại, rút tiền, rồi còn lên facebook, zalo học hỏi được nhiều thứ để chăn nuôi. Các bà có điều kiện phát triển hơn nhiều”- bà Vi Thị Hà chia sẻ.

Tận dụng những tiện ích về công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc, sản xuất hay nhu cầu sinh hoạt đang trở thành xu hướng tích cực ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Chuyển đổi số không chỉ ở việc lắp đặt hạ tầng mà còn là vấn đề thay đổi nhận thức của người dân được thụ hưởng.

Điều này đối với một xã nghèo như Châu Lý đã có những tín hiệu lạc quan. Hệ thống camera an ninh mới tại các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng ở bản Chọng Bùng được đưa vào sử dụng từ nguồn xã hội hóa là một minh chứng.

Việc quan tâm, tăng cường chuyển đổi số tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số đang từng ngày được các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Chuyển đổi số là một trong những dấu ấn nổi bật của huyện miền núi Quỳ Hợp sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Chuyển đổi số tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần vào quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục