Hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ miền Bắc

Hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nằm trong chuỗi các sự kiện vòng Chung kết cấp Vùng, khu vực miền Bắc, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 chính thức khai mạc vào ngày 7/9/2023 tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Hội chợ với quy mô gần 50 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm mang đậm giá trị bản địa của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tại lễ khai mạc hội chợ, bà Phạm Thị Hương Giang, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết: Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm của Việt Nam" được khởi đầu từ kinh nghiệm của Nhật Bản với Phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" - OVOP. Hiện nay, phong trào OVOP đã lan tỏa và được triển khai thực hiện trên 40 nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La Tinh,... đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ở các quốc gia thông qua nhiều tên gọi khác nhau.

Lễ khai mạc Hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP diễn ra sáng ngày 7/9 tại Nam Định

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2018. Đến nay, chương trình đã bước sang giai đoạn từ 2021-2025. Trải qua một thời gian hoạt động, chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn. 

Mỗi một sản phẩm OCOP mang một câu chuyện riêng, được gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những giá trị mang tính nhân văn của vùng miền. Thông qua việc triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống.

 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại hội chợ

Các cấp Hội tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP

Với vai trò và sứ mệnh của mình, Hội LHPN Việt Nam luôn nhận thức đầy đủ, bám sát, vận dụng sáng tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy, vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. 

Hội chợ có 22 gian hàng là sản phẩm OCOP, tiểu thủ công mỹ nghệ, trang sức của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Với chương trình OCOP, Hội LHPN Việt Nam cũng đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách vừa là chủ thể vận động tuyên truyền về chương trình, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, cũng lại là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng thông thái cho gia đình. 

Ngày càng có nhiều điển hình nữ lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp được đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, với tinh thần mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, thực hiện tốt phương châm "Ly nông bất ly hương", góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

 

Các sản phẩm tham gia là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm mang đậm giá trị bản địa của từng địa phương; đồng thời là cơ hội hợp tác, kết nối thị trường, thúc đẩy phát triển các Dự án khởi nghiệp của phụ nữ.

"Hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP là hoạt động quảng bá thiết thực khẳng định vai trò của chủ thể nữ trong việc sáng tạo đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp, khích lệ các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP; đồng thời kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm. 

Qua chương trình, Ban Tổ chức kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bà Phạm Thị Hương Giang nhấn mạnh.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến ngày 31/5/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao.

Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác, trong đó tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm khoảng 40%. Một số tỉnh, thành có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Nam Định, hiện nay có 330 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên (47 sản phẩm 4 sao, 283 sản phẩm 3 sao) với 4 nhóm ngành hàng (thực phẩm, nông sản, thủy sản và du lịch) của 84 hộ kinh doanh, 53 doanh nghiệp và 46 hợp tác xã.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục