Nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia giúp Hội LHPN Việt Nam hoàn thiện Chiến lược truyền thông Dự án 8

Chiều 17/4, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 từ chuyên gia các bộ, ban, ngành.
 
 Hội thảo tham vấn Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra vào chiều 17/4, tại Hà Nội

Trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG DTTS & MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025, TW Hội LHPN Việt Nam xây dựng dự thảo Chiến lược truyền thông thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (Chiến lược). Phạm vi của Chiến lược tập trung vào các nội dung, yêu cầu và các vấn đề đặt ra trong khuôn khổ Dự án 8 để xác định tên gọi, đối tượng, các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung, giải pháp thực hiện Chiến lược.

Để Chiến lược được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về một số nội dung cụ thể: lộ trình thời gian, phương pháp tiếp cận xây dựng Chiến lược; nội dung truyền thông; mục tiêu của Chiến lược; cần điều chỉnh, bổ sung gì về cấu trúc của chiến lược truyền thông; các khuyến nghị thêm cho Hội…

Nhiều ý kiến từ các góc độ giúp Hội thực hiện tốt hơn công tác truyền thông

Phát biểu khai mạc hội thảo, Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách thức tuyên truyền, vận động thuyết phục các đối tượng phụ nữ. Tuy nhiên, với đối tượng là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa rất đặc thù, nếu dùng phương pháp truyền thông truyền thống, các sản phẩm truyền thông dùng tiếng phổ thông thì sẽ có thể là rào cản ngôn ngữ, khó cho họ tiếp cận bởi họ không biết tiếng phổ thông hoặc có những vùng chưa được phủ sóng mạng internet hoặc chưa có đủ điều kiện, phương tiện truyền thông, máy móc thiết bị để tiếp cận với những sản phẩm truyền thông do Hội triển khai.

Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo

“Đây là một vấn đề tương đối khó mà Hội mong muốn nhận được nhiều ý kiến từ các góc độ của các chuyên gia để công tác truyền thông sắp tới có hiệu quả và từ đó, đưa ra những hoạt động truyền thông mang tính khả thi cao hơn”, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng mong muốn các chuyên gia gợi ý thêm những phương pháp, kinh nghiệm, nội dung đã làm ở phạm vi rộng hơn để Hội đúc rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn công tác truyền thông.

Tại chương trình, TS. Lê Văn Sơn – Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) đã giới thiệu cụ thể về Chiến lược. Mục tiêu tổng quát của dự thảo Chiến lược hướng đến “Tăng cường thực hành bình đẳng giới trong thực hiện vai trò sản xuất (vai trò kinh tế), vai trò tái sản xuất, ra quyết định trong gia đình và cộng đồng, và tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị” và “Từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán có hại cho phụ nữ và trẻ em gái, phá bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới và sự phân biệt đối xử về giới trong gia đình và cộng đồng DTTS&MN”.

Các đại biểu nghiên cứu dự thảo Chiến lược tại chương trình

Dự thảo Chiến lược truyền thông với 3 nội dung gồm: (1) Định kiến giới, khuôn mẫu giới và sự phân biệt đối xử về giới; (2) Vai trò, trách nhiệm thực hiện BĐG khi thực hiện Chương trình MTQG về phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS; (3) Một số vấn đề bất bình đẳng giới và vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Tập trung vào các đối tượng là Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các cơ quan tham gia thực hiện Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN; thành viên tổ truyền thông cộng đồng đặc biệt là nam và nữ, trẻ em ở các địa bàn can thiệp của Dự án 8 (ưu tiên độ tuổi từ 16-55).

Chiến lược phải mang tính bao quát, tổng thể

Nhìn chung, các đại biểu, chuyên gia đều đánh giá cao dự thảo Chiến lược mà Hội đã xây dựng, bố cục trình bày cụ thể, rõ ràng, phù hợp. TS. Lương Thị Thu Hằng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc cho rằng Chiến lược truyền thông cần quan tâm đến văn hóa, phong tục tập quán ở các địa phương thực hiện Dự án 8; chỉ rõ hơn cách tiếp cận đối tượng cụ thể theo tuổi, nghề nghiệp, vùng miền… ; bổ sung khung phân tích truyền thông nhằm làm rõ tương tác truyền thông hai chiều và đưa ra bộ chỉ số giám sát đánh giá cụ thể . Bà cũng đồng tình với việc đa dạng cách thức truyền thông và nên đưa ra 2 chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức và truyền thông can thiệp tích hợp vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, tránh định kiến “tộc người” và lưu ý về ngôn từ, hình ảnh trong nội dung, cách thức tuyên truyền.

TS. Lương Thị Thu Hằng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc đánh giá cao dự thảo Chiến lược mà Hội đã xây dựng

Theo ông Lê Quang Bình, chuyên gia nghiên cứu về giới, phát triển và DTTS (ECUE), cần phân tích sâu đâu là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS nói riêng từ khuôn mẫu giới và từ đó truyền thông để tạo ra những chuẩn mực mới; nhận diện rõ các loại đối tượng sau đó mới lập được ma trận truyền thông như thông điệp, mục tiêu truyền thông một cách sâu sát và không chia tách nam giới, nữ giới để truyền thông riêng. Đồng thời, các chuyên gia mong muốn Chiến lược phải mang tính đổi mới sáng tạo, có sự vào cuộc của cả người dân; lồng ghép giới vào các chương trình truyền thông thường xuyên của các tổ chức địa phương liên quan; khuyến khích truyền thông tại cơ sở, dựa trên văn hoá của người bản địa; khuyến khích sáng kiến tại các cộng đồng; chú trọng truyền thông cả những hoạt động đã, đang và sẽ diễn ra của Dự án 8… Đặc biệt, việc cân nhắc tập trung vào việc xoá bỏ khuôn mẫu và định kiến giới gắn với các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em phải được xác định ngay từ ban đầu.

Ông Lê Quang Bình, chuyên gia nghiên cứu về giới, phát triển và DTTS (ECUE) cho rằng truyền thông để tạo ra những chuẩn mực mới

Tại chương trình, bà Trần Thu Thủy, nguyên Chánh Văn phòng TW Hội LHPN Việt Nam cũng nêu rõ, Hội cần khẳng định đây là Chiến lược truyền thông không phải kế hoạch truyền thông, do đó, đòi hỏi cái nhìn tổng thể, mang tính khái quát và có kế hoạch cụ thể hàng năm phân cấp, phân quyền để tối đa việc truyền thông. Bà cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực cho người trực tiếp làm truyền thông ở địa phương, mục đích là thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về bình đẳng giới phù hợp với văn hóa của các dân tộc; đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới trong hệ thống giáo dục tại các Trường Dân tộc nội trú, đào tạo kỹ năng sống, nghề nghiệp tạo ra nhiều điều kiện, quyền lợi tốt hơn cho trẻ em gái vùng DTTS.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Hội sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của chuyên gia, tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia để hoàn thiện Chiến lược truyền thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

 
Minh Trang

Tin cùng chuyên mục