Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới

Ngày 21-12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Một trong những ưu tiên hàng đầu

Thời gian qua, tình hình trật tự, ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đối với học sinh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội..

Nguyên nhân của tình trạng trên là chính quyền một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, trong đó có bảo đảm ATGT trong lứa tuổi học sinh; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm từng chủ thể chưa được phát huy đầy đủ; còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông tại một số khu vực trường học chưa được khắc phục; việc quản lý chất lượng một số loại phương tiện và hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh còn thiếu chặt chẽ…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải xác định công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Rà soát lại công tác giáo dục

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, ATGT trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hoá giao thông cho thế hệ tương lai.

Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh và yêu cầu 100% đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường hằng năm hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về ATGT; 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa…

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp thực hiện tốt chương trình phối hợp với ngành Giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong các cơ sở giáo dục.

Công tác giáo dục về ATGT cho học sinh cần được tập trung nhiều hơn nữa.

Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh.

Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành; tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn.

Rà soát, nghiên cứu bổ sung vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông, hạn chế tốc độ, đấu nối của khu vực trường học trên đường bộ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh…

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục