Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2021

Chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức hành chính, văn thư; quy định về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; quy định về các trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ bị khấu trừ thuế trên doanh thu… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2021.
 

Chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức hành chính, văn thư

Đây là điểm mới tại Thông tư 02/2021/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức văn thư.

Công chức Trung tâm Hành chính công thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Thủy Châu

Theo đó, kể từ ngày 01/8/2021 tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Thay vào đó, yêu cầu công chức hành chính, văn thư có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương với yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo Bộ Nội vụ, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD&ĐT quy định.

Việc cắt giảm những chứng chỉ không cần thiết vừa giúp giảm gánh nặng đối với công chức, vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ đi vào thực chất, khoa học hơn.

Quy định về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Thông tư quy định về mục tiêu đào tạo; chuẩn đầu ra và chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo; khối lượng đào tạo; cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập; đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ; cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu.

Một trong những yêu cầu về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học đó là: Việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo; phải đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học. Cùng với đó, phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo; phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.

Chuẩn chương trình đào tạo là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo.

Đồng thời, căn cứ vào Thông tư này để cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng.

Ngoài ra, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT còn là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.

Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 07/8/2021 và thay thế Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT.

Các trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 03 trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng, bao gồm:

Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;

Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng;

Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Chi trả lương lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện. Ảnh minh họa: Đỗ Thoa) 

Bên cạnh đó, Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH cũng quy định, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với các đối tượng:

Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

Đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội;

Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách;

Sau 03 tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

Ngoài ra, đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng là 60.000 đồng/người/ngày. Trong trường hợp đối tượng trên phải điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh, chi phí điều trị thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế đối với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế. Trong trường hợp đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tương ứng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2021. Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/7/2021.

Bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ bị khấu trừ thuế trên doanh thu

Đây là nội dung tại Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh.

Cụ thể, điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư này quy định, tổ chức là chủ sở hữu của sàn giao dịch thương mại điện tử (ví dụ như Shopee, Lazada, Tiki,…) thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.

Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay thì các sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan theo quy định của pháp luật như: Họ tên; số định danh cá nhân hoặc CMND hoặc CCCD hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.

Lưu ý, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1,5% tính trên doanh thu, gồm 1% thuế suất giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.

Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Cổng TTĐT tỉnh

Tin cùng chuyên mục