Cần có giải pháp thúc đẩy tỉ lệ cán bộ nữ liên tục và thường xuyên để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ

Hướng tới kỷ niệm 93 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, sáng 22/9, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ nữ ứng cử viên theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ: “Vừa qua, TW Hội LHPN Việt Nam đã hoàn thành 3 cuộc hội thảo tại 3 miền Bắc – Trung – Nam về công tác cán bộ nữ và thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Theo đó, có những địa phương tỉ lệ cán bộ nữ khá cao nhưng có những địa phương thì rất thấp. Hiện còn Hải phòng và Cà mau không có nữ đại biểu Quốc hội. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ trước. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 năm 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53”.

Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và nhiều văn bản khác đều thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, coi công tác cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Đối với việc tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử, điều 8, điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND là phụ nữ; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của BCH TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định chỉ tiêu đến năm 2030 tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35%. “Nếu không có giải pháp thúc đẩy tỉ lệ cán bộ nữ liên tục và thường xuyên như công tác đào tạo, quy hoạch… mà đến Đại hội mới tìm người thì sẽ không kịp, không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ”, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ trước

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện APHEDA tại Việt Nam cho biết: “Trong khuôn khổ dự án: “Thúc đẩy Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và Nâng cao năng lực cho nữ đại biểu dân cử”, APHEDA tiếp tục phối hợp cùng Ban Tổ chức, TW Hội LHPN Việt Nam triển khai hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031” với mục tiêu đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ trong kỳ bầu cử diễn ra vào năm 2026. Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới thực chất sẽ giúp các quốc gia giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội còn tồn tại”.

Theo bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện APHEDA tại Việt Nam: "Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới thực chất sẽ giúp các quốc gia giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội còn tồn tại"

Bà mong rằng cùng với chia sẻ của các diễn giả, các đại biểu cũng sẽ tích cực trao đổi để tìm ra nhiều giải pháp giúp tăng tỷ lệ nữ ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới để quyền năng chính trị của phụ nữ ngày càng nâng cao, giúp vấn đề bình đẳng giới và khoảng cách giới tại Việt Nam dần được cải thiện; những đóng góp của dự án nói chung và buổi hội thảo hôm nay nói riêng sẽ có sức lan tỏa để tỷ lệ nữ ứng cử viên, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đạt mục tiêu đề ra trong kỳ bầu cử sắp tới.

Tại hội thảo, các đại biểu cơ quan TW, các chuyên gia, địa phương đã đưa ra phân tích về thực trạng từ đó có những khuyến nghị về quá trình thúc đẩy tăng tỉ lệ nữ ứng cử viên tham gia ứng cử cũng như tỉ lệ trúng cử cao hơn, hiệu quả hơn; chia sẻ về vai trò trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tham gia chuẩn bị tổ chức bầu cử; những đề xuất, kiến nghị, các giải pháp có tính quyết liệt, đột phá đảm bảo tỷ lệ 35% trở lên nữ ứng cử viên và phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu QH, HĐND đạt 35% vào năm 2030.

Các đại biểu đưa ra ý kiến, giải pháp thúc đẩy tăng tỉ lệ nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu tất cả các ý kiến trao đổi của các đại biểu. Các ý kiến đã làm rõ, sâu sắc về kết quả đạt được, đặc biệt là những kinh nghiệm, sáng kiến trong quá trình tham gia bầu cử tại các nhiệm kỳ trước; nhiều ý kiến cũng đã phân tích về những khó khăn, hạn chế, những vấn đề đặt ra, những nguyên nhân, rào cản hạn chế cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quá trình bầu cử...

Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, trong đó có các cơ quan dân cử là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo tiếng nói đại diện và giải quyết tốt nhất, thiết thực nhất các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, cần có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, sự ủng hộ của cả cộng đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục