Khó tạo nguồn đảng viên nữ trong Chi bộ nông thôn

Công tác phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên nữ nhằm xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng và tổ chức hội phụ nữ quan tâm thực hiện. Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều Chi bộ nông thôn, việc kết nạp đảng cho đảng viên nữ gặp không ít khó khăn, nhiều chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên nữ.

Chi bộ Khâu Pồng, xã Yên Hoa (Na Hang) hơn 10 năm nay không kết nạp được đảng viên nữ. Cả chi bộ có 10 đảng viên, đều là nam giới. Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Nết cho biết, hiện lực lượng lao động đa phần đi làm ăn xa. Nguồn để giới thiệu vào Đảng ít, những người ở lại địa phương, đủ điều kiện để tạo nguồn, học cảm tình Đảng dù đã được động viên, tạo điều kiện lại không muốn học.

Hội Phụ nữ huyện Na Hang đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút hội viên, qua đó phát hiện,
bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng.

Đây cũng là khó khăn chung ở Đạo Viện (Yên Sơn). Chị Lưu Thị Thêm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: Do đặc thù đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động, nâng cao nhận thức của chị em hội viên không phải một sớm một chiều. Nhiều chi hội, chỉ có chi hội trưởng là nói được tiếng phổ thông, việc đưa các chính sách, chương trình mới của hội đến với hội viên đều phải thông qua "phiên dịch viên" chị em mới nắm bắt được. Năm 2023, Hội phụ nữ xã có kế hoạch kết nạp Đảng cho 2 chi hội trưởng, nhưng đến thời điểm gần kết thúc năm, mới hoàn thành một nửa chỉ tiêu.

Mặc dù công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên nữ luôn được các cấp ủy đặc biệt quan tâm, nhưng trên thực tế vẫn còn một số khó khăn do định kiến xã hội, phong tục của mỗi gia đình, địa phương khi chị em chủ yếu làm nông nghiệp, tư tưởng còn tự ti hoặc chưa nhận được sự động viên, chia sẻ của gia đình. Một số quần chúng có chí hướng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng nhưng lại không đạt tiêu chuẩn về trình độ học vấn hoặc không đủ điều kiện kết nạp. Ở một số thôn, bản vùng miền núi còn nhiều khó khăn, phụ nữ không có nhiều cơ hội phát triển, khẳng định bản thân, từ đó dẫn đến tỉ lệ đảng viên nữ ở nhiều chi bộ nông thôn chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực, nghiệp vụ công tác Đảng của một số Bí thư Chi bộ, cấp ủy còn hạn chế; chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ.

Việc khó kết nạp được đảng viên nữ tại các chi bộ nông thôn cũng ảnh hưởng đến mục tiêu 70% Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ là đảng viên theo Đề án 03-ĐA/TU ngày 12-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hội Phụ nữ xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đến thời điểm này mới kiện toàn được 11/28 đồng chí chi hội trưởng là đảng viên. Chia sẻ về khó khăn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Phú Nông Thị Ngọc cho rằng, vẫn là câu chuyện nguồn kết nạp. Hiện nay hầu hết các chi hội trưởng đều ở độ tuổi 50 - 60, việc "trẻ hóa" chi hội trưởng khó khăn do hội viên đi làm ăn xa, nặng gánh kinh tế nên chưa toàn tâm toàn ý với hoạt động hội. Nhiều chi hội trưởng nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, vẫn trong độ tuổi có thể kết nạp Đảng lại chưa học hết THPT.

Hội Phụ nữ xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) tạo thêm nhiều sân chơi tập hợp, thu hút hội viên.

Nhận thức được vấn đề này, năm 2023, Hội Phụ nữ xã Kim Phú đẩy mạnh các phong trào thể thao, văn hóa, để thu hút thêm hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ tuổi. Các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, Câu lạc bộ dân vũ được triển khai sâu rộng tới từng chi hội, tổ chức buổi giao lưu, thi đấu, tạo không khí sôi nổi, đã thu hút thêm hơn 100 hội viên đăng ký sinh hoạt. Từ chính nguồn hội viên này, các chi hội đã phát hiện 4 hội viên để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng, trong đó các hội viên đều ở độ tuổi 9X.

Trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Bởi, khi tỷ lệ đảng viên nữ tăng lên không chỉ giúp xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, mà còn tạo nguồn cán bộ nữ cho địa phương.

Trước những yêu cầu mới, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần phải có những giải pháp đổi mới, sáng tạo, phù hợp hơn với tình hình thực tế để nâng tỷ lệ đảng viên nữ. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cần phải gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ tạo nguồn, kết nạp đảng viên nữ; tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nữ; xây dựng điển hình, trao cơ hội cho quần chúng phát huy năng lực, sở trường thông qua các nhiệm vụ được giao và hoạt động thực tiễn tại địa bàn và thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thông qua đó, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những quần chúng ưu tú để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục