Tiếp sức cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong hành trình “đi tìm con chữ”

Năm học mới 2023 – 2024 vừa tới trong không khí vui tươi, phấn khởi cùng nhiều hoạt động thiết thực, chung tay chăm lo, hỗ trợ của các cấp Hội trên cả nước hướng tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh mồ côi, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm tiếp sức cho các em trong hành trình "đi tìm con chữ", động viên các em nỗ lực học tập để viết tiếp những ước mơ về tương lai tươi sáng.
 Tặng quà, học bổng cho 82 học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bác Ái

Tiếp sức cho em đến trường

Theo chân đoàn công tác đến với huyện Bác Ái, một huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Thuận. Chào đón chúng tôi là những ánh mắt tròn xoe, những gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác, tò mò của các em học sinh dân tộc Raglai. Tuổi thơ của các em là củ khoai cắn dở, là nương rẫy, gác bếp, là lấm lem mưu sinh, là những ngày lội suối, băng rừng để tới trường. Nhưng ẩn sâu bên trong những vóc dáng nhỏ nhắn hơn so với tuổi bởi lao động vất vả, thiếu thốn là những đôi mắt sáng, là khát khao thoát nghèo, là sự hiếu học và là niềm tin vào ngày mai tươi đẹp hơn ở phía sau cánh cổng trường.

Ông Mẫu Thái Phương - Bí thư huyện ủy Bác Ái cho biết: Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, điều kiện dạy và học ở đây còn nhiều khó khăn, nhận thức của một số người dân về việc học còn rất hạn chế. Đặc thù địa phương lại có nhiều hộ có đất rẫy ở xa, học sinh ở đây thường nghỉ học cách nhật, theo cha mẹ lên rẫy. Việc vận động học sinh đến trường đã khó, trước thềm các năm học mới lại càng khó hơn.

Để hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tiếp sức cho các em trước thềm năm học mới, năm học này, Ban Công tác phía Nam - TW Hội LHPN Việt Nam đã tích cực kết nối, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tổ chức chương trình “Tiếp sức đến đường” lồng ghép trong hoạt động truyền thông Dự án 8 rất ý nghĩa, thiết thực.

Theo đó, Chương trình đã trao tặng học bổng và những phần quà là dụng cụ học tập, quần áo mới cho 82 học sinh mồ côi dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn của huyện Bác Ái, qua đó góp phần thiết thực làm vợi bớt nỗi lo cho gia đình và các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi năm học mới bắt đầu.

Việc tổ chức Chương trình cũng đã tạo sân chơi để các em được gặp gỡ, giao lưu, được thưởng thức bánh, sữa và xem những bộ phim hoạt hình sinh động sau thời gian nghỉ hè, lam lũ cùng bố mẹ trên nương rẫy. Những gương mặt các em nhỏ ánh lên nét rạng rỡ, niềm hạnh phúc ngập tràn thật đáng yêu, đáng quý, bởi cuộc sống thiếu thốn khiến các em ít có cơ hội tiếp cận được với công nghệ thông tin hay các loại hình giải trí.

Trong hành trình đến với phụ nữ và trẻ em huyện Bác Ái, Đoàn công tác và Quỹ bàn tay ấm – Nhà hàng Khải Phương đã khảo sát địa điểm và nhu cầu thực tiễn để xây tặng công trình sân chơi cho các em thiếu nhi DTTS, miền núi nơi đây. Chắc chắn rằng, trong thời gian không xa nữa, trẻ em DTTS ở huyện Bác Ái sẽ có một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, rút ngắn dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Viết tiếp ước mơ về tương lai tươi sáng

Tại các vùng dân tộc thiểu số nói chung và huyện Bác Ái (Ninh Thuận) nói riêng, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó có cơ hội để học lên cao, bởi các định kiến ​​và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em dân tộc thiểu số - đặc biệt là trẻ em gái, vẫn có nguy cơ buộc phải dừng việc học vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, các em thường phải lao động từ sớm; nạn tảo hôn vẫn tồn tại dù đã có rất nhiều nỗ lực xóa bỏ... Giấc mơ đi học và được học tiếp ở bậc học cao hơn, giấc mơ đến giảng đường đại học vẫn còn là xa vời đối với các em.

Tặng sổ tiết kiệm đỡ đầu 8 em học sinh DTTS đang học PTTH, đỗ Đại học năm 2023

Để viết tiếp ước mơ cho học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở vùng DTTS, miền núi, Chương trình “Tiếp sức đến đường” đã kết nối, vận động nguồn lực hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 08 em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học đang học PTTH và đỗ Đại học năm 2023, mỗi em 5 triệu đồng/năm và được tiếp nối hàng năm cho đến khi các em hoàn thành chương trình PTTH, Đại học.

Em Chama léa Thị Ngọc xúc động kể: Em sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc em đã có ý định bỏ học. Chương trình này sẽ giúp em có thêm động lực, niềm tin tiếp bước đến trường. Em ước mơ làm bác sỹ chữa bệnh cho bà con.

Trò chuyện về ước mơ của mình, em Ka tơr Thị Hoa mồ côi cả cha lẫn mẹ lớp 11 trường THPT Dân tộc Nội Trú Pi Năng Tắc cười nói: “Con muốn được học đại học, muốn làm cô giáo, để dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên quê hương con”.

Thời điểm nhận được thông tin trúng tuyển Đại học Nông lâm Ninh Thuận, em Ka tơr Văn Kiên đã rất lo lắng khi phải tạm dừng việc đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Và thật may mắn là em nhận được học bổng của Chương trình cùng với sự hỗ trợ thêm của các mạnh thường quân trong suốt 4 năm đại học (từ năm 2023 đến 2027). Em nguyện sẽ ra sức phấn đấu học tập để trở về phục vụ bà con, đóng góp xây dựng quê hương. Đó như một lời cảm ơn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã chung tay giúp đỡ để em có điều kiện và động lực vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập, có được tương lai tươi sáng.

Có thể nói, việc triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cần nhiều hơn nữa sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em nơi đây. Cần tăng cường công tác vận động, xã hội hóa, thực hiện các hoạt động trợ giúp, khuyến khích, động viên và tạo cơ hội để trẻ em được học văn hóa, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, hưởng đầy đủ quyền cơ bản và nhu cầu thiết yếu của trẻ em; cần có sự tiếp sức dài hơi cho học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng DTTS, miền núi, đặc biệt là trẻ em gái vượt qua rào cản định kiến giới để được tiếp tục đi học, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, trưởng thành và trở về đóng góp, xây dựng quê hương. 

 
 
 

Theo Hội LHPN Việt Nam

Tin cùng chuyên mục