Phát huy vai trò phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm và tham gia tích cực vào việc phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình đang được các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh triển khai. Đa dạng hình thức truyền thông

Hội LHPN Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện Đề án "Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027". Các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế như: tổ chức hội nghị truyền thông; tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB), Bản tin "Thông tin Phụ nữ Tuyên Quang", trên các trang mạng xã hội: Facebook, zalo, trang Fanpage "Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang" và fanpage của Hội LHPN các huyện, thành phố...

Các hoạt động tuyên truyền còn được các cấp Hội đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân "Ngày gia đình Việt Nam", ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình như: Hội thi "Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em", Cuộc thi ảnh "Gia đình hạnh phúc", tọa đàm về sức khỏe sinh sản và vấn đề bạo lực gia đình, tập huấn Gia đình hoàn mỹ...

Đồng chí Nguyễn Thị Tươi Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (thứ tư từ trái qua) tuyên truyền về mục đích của mô hình.

Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 Hội nghị truyền thông kiến thức cơ bản về giới, bạo lực học đường trên cơ sở giới, trường học thân thiện cho 1.619 học sinh tại 5 trường; 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực về một số vấn đề về giới, phụ nữ với quản lý tài chính và phát triển kinh tế gia đình cho 200 nữ cán bộ, hội viên phụ nữ tại 5 xã, thị trấn; 2 lớp tập huấn về giới, phòng, chống bạo lực tình dục nơi công sở, tăng quyền lực của phụ nữ cho 50 cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở.

Hội LHPN tỉnh đã tham gia Hội thi "Tìm hiểu kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới" năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo, Đoàn thanh niên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trẻ em tại trường học và cộng đồng tham gia Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức. Kết quả, nhóm học sinh của tỉnh ta tham gia và giành giải Khuyến khích tại cuộc thi.

Hội LHPN cấp huyện tổ chức 4 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về: "Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái"; Luật Hôn nhân và gia đình, ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực học đường… cho 300 hội viên phụ nữ và trên 400 cán bộ, giáo viên, học sinh và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Xây dựng nhiều mô hình phòng, ngừa và trợ giúp

Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và duy trì 376 CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc", 3 CLB "Phòng chống bạo lực gia đình", 8 CLB "Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em", 405 mô hình "Chi hội 5 không, 3 sạch", 58 mô hình "Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội".

Thực hiện Dự án 8, các cấp Hội phụ nữ đã thành lập được 26 mô hình "Địa chỉ tin cậy" hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình và 279 tổ truyền thông cộng đồng. Đồng thời, đã lồng ghép tổ chức các Hội nghị truyền thông, cung cấp các kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình; xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cho các thành viên của các mô hình này nắm bắt.

Theo chị Nguyễn Thu Hà, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 11, xã Tân Long (Yên Sơn), việc thành lập mô hình "Địa chỉ tin cậy" rất ý nghĩa. Chị sẽ tuyên truyền để tất cả chị em biết về địa chỉ này, để mỗi khi không may bị bạo lực gia đình các chị em có thể tìm tới "Địa chỉ tin cậy" để tạm lánh, để được các thành viên của mô hình chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh trao đổi, hướng dẫn cán bộ và phụ nữ  thôn Khuôn Then, xã Hùng Đức (Hàm Yên) về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Còn chị Vương Thị Duyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khuôn Then, xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết, sau khi thành lập, Tổ truyền thông cộng đồng của thôn đã được trang cấp 1 bộ loa và micro. Dịp 20-10-2023, chị đã tổ chức 1 buổi tuyên truyền, vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó, có mời cả nam giới tham gia, để họ xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đồng chí Nguyễn Thị Tươi Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phát huy các giải pháp đã thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh việc huy động sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động do Hội LHPN tổ chức để tăng sự cảm thông, chia sẻ của người chồng, người cha trong gia đình; thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc bạo lực gia đình; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc. Quan tâm phát hiện, xây dựng điển hình tốt, cách làm hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em để tuyên truyền, nhân rộng.

 
 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục