Những lớp truyền dạy văn hóa dân tộc

Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, thời gian qua nhiều lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân tộc đã được tổ chức tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Các lớp học thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia góp phần khơi dậy tình yêu, niềm tự hào truyền thống cho lớp trẻ.

Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Chiêm Hóa đã mở các lớp tập huấn truyền dạy văn hóa dân gian tại các xã Hà Lang, Tân An, Yên Lập, Kim Bình, Tri Phú…

Tại các lớp học, những học viên là hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, thanh thiếu niên đam mê ca hát, yêu thích văn hóa dân tộc đã được học cách tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, xây dựng chương trình biểu diễn, lựa chọn chủ đề, diễn viên. Các học viên còn được học hát Then, đàn Tính, múa Tày, múa khèn Mông, thổi khèn, hát dân ca, múa ô, học viết và nói tiếng dân tộc…

Cuối tháng 10, lớp truyền dạy văn hóa dân gian, dân tộc tại xã Tri Phú được khai giảng với 33 học viên là đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Tày cùng tham gia. Em Vàng Thị Mai, dân tộc Mông, 16 tuổi, thôn Lăng Quăng nói, là thành viên trẻ nhất lớp học, em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được học hát, múa, ghi chép lại các lời bài hát bằng tiếng dân tộc của mình. Khi biết thêm nhiều bài hát, điệu múa, em sẽ tự tin và tích cực hơn khi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn, xã cũng như ở trường học.

Lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Mông tại xã Tri Phú (Chiêm Hóa).

Yên Sơn là địa phương có nhiều câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang hoạt động. Các câu lạc bộ phản ánh sự đa dạng, phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, Cao Lan… Cùng với việc thường xuyên luyện tập những bài hát, điệu múa truyền thống, các thành viên trong câu lạc bộ cũng tích cực tham gia các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bà Trần Thị Lâm, dân tộc Cao Lan, thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) cho biết, vừa qua bà đã tham gia dạy lớp thêu và làm trang phục truyền thống ở thôn Động Sơn, xã Chân Sơn. Các thành viên trong lớp học cũng sáng tạo để làm những sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Nhiều trường học ở các huyện vùng cao như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình cũng thường xuyên tổ chức các lớp học truyền dạy văn hóa, mở các câu lạc bộ nhằm truyền cảm hứng, giáo dục niềm tự hào bản sắc dân tộc. Cô giáo Triệu Thị Nhâm, giáo viên trường Tiểu học Thanh Tương (Na Hang) cho biết, hàng năm, các lớp dạy đàn Tính, hát Then vẫn được tổ chức trong trường học giúp các em học sinh được tiếp cận với nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Việc thành lập câu lạc bộ hát Then cũng nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Các bài Then cổ khi được khai thác, sưu tầm sẽ giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa và vốn từ tiếng Tày, nhớ lời hát, tiếp thu lời ăn tiếng nói, hát đúng làn điệu Then. Tham gia câu lạc bộ, các em cũng được giao lưu, vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng.

Thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh đã mở 25 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc. Việc xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các lớp học bảo tồn văn hóa dân tộc góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo điều kiện để lớp trẻ tiếp thu văn hóa dân tộc từ đó phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục