Công tác phát triển đảng viên đối với người theo tôn giáo: Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp

Trong những năm qua, việc xây dựng và nâng cao chất lượng công tác phát triển đội ngũ đảng viên nói chung và đảng viên là người theo tôn giáo nói riêng luôn được cấp ủy các cấp quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, ở những nơi có đông người theo tôn giáo, chú trọng phát triển đảng viên là người theo tôn giáo.

Thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo, Hướng dẫn số 20-HD/BTCTW ngày 26/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức triển khai quán triệt trong toàn Đảng bộ tỉnh nhằm tăng cường công tác phát triển đảng viên mới là người theo tôn giáo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy đảng đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo, tạo ra sự phấn khởi trong đảng viên và quần chúng ưu tú trong các tôn giáo.

Thông qua các phong trào, Đoàn xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) đã phát hiện nhiều đoàn viên ưu tú, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.

Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay toàn tỉnh kết nạp được 4.884 đảng viên, trong đó có 51 đảng viên là người theo tôn giáo, chiếm 1,04% tổng số đảng viên kết nạp toàn tỉnh, trong có 14 đảng viên theo Phật giáo, 29 đảng viên theo Công giáo, 08 đảng viên theo Đạo Tin Lành. Trong năm 2023 kết nạp được 20 đảng viên là người theo tôn giáo (trong đó phật giáo 06, công giáo 14).

Đến thời điểm 31/12/2023, toàn tỉnh có 10 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, 431 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 246 đảng bộ cơ sở, 185 chi bộ cơ sở, 3.052 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 58.470 đảng viên, trong đó: 590 đảng viên là người theo tôn giáo, chiếm 1,01% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh, cụ thể: đảng viên theo Công giáo 468 đảng viên, chiếm 79,32%; đảng viên theo Phật giáo 29 đảng viên, chiếm 4,96%; Đạo Tin lành 93 đảng viên, chiếm 15,76%. Việc kết nạp được những quần chúng ưu tú là người theo tôn giáo vào hàng ngũ của Đảng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong đồng bào tôn giáo nói riêng và thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung.

Thực tế cho thấy, đa số đảng viên là người theo tôn giáo đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên khi tham gia sinh hoạt tôn giáo. Đảng viên trong các tôn giáo đã chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân vùng đồng bào có đạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng viên trong các tôn giáo đã góp phần ổn định sinh hoạt tôn giáo, ổn định chính trị - xã hội, là cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo, thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng.

Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo, nên chưa chủ động nắm bắt tình hình cơ sở để có biện pháp giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú có đạo. Một số cấp ủy chưa có kế hoạch phát triển đảng viên là người theo tôn giáo cho từng năm, từng quý; chưa quan tâm tạo nguồn kết nạp, chưa phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc tuyên tuyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú; chưa thực sự quan tâm bồi dưỡng chức sắc, chức việc để tạo nguồn kết nạp… Kết quả công tác kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo còn chưa tương xứng với số lượng quần chúng trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Số lượng  quần chúng có đạo kết nạp đảng viên chỉ là tín đồ tôn giáo bình thường (không phải cốt cán) nên hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo có lúc, có nơi chưa cao.

Hiện nay, dân số toàn tỉnh có khoảng 900 nghìn người với cơ cấu dân cư đa dạng, 22 dân tộc và 03 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành, với 55.833 tín đồ tôn giáo (trong đó: Phật giáo có 18.298 phật tử; Công giáo có 27.985 tín đồ; Tin lành có 9.550 tín đồ, trong khi chỉ có 590 đảng viên, chiếm tỷ lệ không nhiều (chỉ đạt 1,06%). Như vậy, với gần 56 nghìn người theo tôn giáo hiện nay đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh, có thể nói nguồn quần chúng là người theo tôn giáo không phải ít và rất thuận lợi để theo dõi, bồi dưỡng, xem xét giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Do đó để tiếp tục bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người theo tôn giáo để kết nạp vào Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định 06-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị gắn với việc nâng cao chất lượng phát triển đảng viên ở Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang trong tình hình mới theo Đề án số 19-ĐA/TU ngày 29/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn để phát triển đảng viên là người theo tôn giáo.

Thứ hai, tiếp tục kiện toàn, xây dựng bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ”; vận động chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện tốt Quy định 06-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác tôn giáo và công tác kết nạp đảng viên.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vùng đồng bào có đạo. Thực hiện Đề án số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới; chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo gắn với xây dựng và phát huy lực lượng cốt cán tôn giáo. Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề liên quan đến tôn giáo, không để phát sinh vụ việc phức tạp; không để lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy cơ sở nơi có đồng bào theo tôn giáo thực hiện tốt các quy định về công tác tôn giáo; tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện cho đảng viên là người theo tôn giáo hoàn thành nhiệm vụ được giao; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người có đạo phấn đấu vào Đảng; tổ chức mở lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước cho đảng viên và quần chúng ưu tú là người theo tôn giáo.

Năm là, xây dựng mối quan hệ linh hoạt, hài hòa, bền chặt, tin cậy giữa cấp ủy đảng, chính quyền với các chức sắc, chức việc trên địa bàn, tạo sự đoàn kết, đồng thuận để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cử đảng viên có uy tín cao trong đồng bào theo đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là người theo tôn giáo tích cực tham gia các phong trào, từ đó phát hiện tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp những người theo tôn giáo tiêu biểu vào Đảng.

Sáu là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vùng có đảng viên, đồng bào theo tôn giáo; xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên cần chú trọng kết nạp đảng viên trong các tôn giáo. Phát hiện, lựa chọn những nhân tố mới, những quần chúng là tín đồ tôn giáo ưu tú giới thiệu cho Đảng; tạo điều kiện thuận lợi cho những quần chúng ưu tú có đạo tham gia hoạt động xã hội, học các lớp cảm tình Đảng, rèn luyện phấn đấu để trở thành đảng viên.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục