Cảnh báo “cạm bẫy hương vị” từ thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử đang dần lan truyền trong giới trẻ dưới vỏ bọc của nhiều cái tên mỹ miều như “vape nghệ thuật”, “nghệ thuật nhả khói thuốc”, “vape trick”… Chúng kích thích và thu hút ngay cả lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thuốc lá điện tử được ví như “cạm bẫy hương vị” mà giới trẻ là con mồi mục tiêu hướng đến. Đánh trúng tâm lý thích thể hiện cá tính của tuổi mới lớn, thuốc lá điện tử đang dần len lỏi trong các trường học. Em N.P.L, 14 tuổi, tổ 17 phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) nói: “Gần đây, lớp em có một vài bạn nam mang vape đến trường sử dụng. Rồi một số bạn trong lớp cũng cùng nhau dùng thử, trong đó có cả các bạn nữ. Em thấy nó thơm và dễ sử dụng. Nhìn kiểu "chất" nữa. Vì không sử dụng thường xuyên nên chúng em nghĩ là nó không gây hại”.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang), trước đây trong trường cũng đã xuất hiện một số ít học sinh cuối cấp có sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử. Nhà trường đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh và đội xung kích cờ đỏ sát sao, nhanh chóng phát hiện, kiểm tra để ngăn chặn hiện tượng này. Cùng với đó, ban chỉ huy liên đội cũng thường xuyên cập nhật những thông tin về xu hướng giải trí mới của giới trẻ. Từ đó, chủ động tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tác hại, hậu quả của việc sử dụng các chất kích thích nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đối với lứa tuổi học sinh.


Học sinh trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử
trong các môn học tích hợp.

Tại các trường học, hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử thường xuyên được lồng ghép trong các tiết học hàng ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổ trưởng tổ Khoa học Xã hội, trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, các em học sinh ở tuổi mới lớn thường có nhu cầu thể hiện cá tính của bản thân mình. Đặc biệt, sự tiếp cận của học sinh đối với mạng xã hội, các kênh thông tin truyền thông không được kiểm soát khiến các em đôi khi có những nhận thức lệch lạc, dẫn đến những hành động không đúng đắn như là việc sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi vậy, trong các tiết học hàng ngày, các thầy cô trong trường thường lồng ghép môn học với hoạt động thực tế để tăng cường sự hiểu biết, nhận thức của các em về tác hại của thuốc lá điện tử và những trò chơi giải trí không lành mạnh. Ví dụ, trong chương trình Ngữ văn 8 có bài “Ôn dịch thuốc lá”, các em sẽ được kết hợp xem hình ảnh về tác hại của thuốc lá và viết suy nghĩ của mình về tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe và đời sống con người. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh, ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới tiếp cận tuổi học trò.   

Cô giáo Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Thái cho biết, trước đây trong trường học cũng có xuất hiện học sinh mang thuốc lá điện tử đến lớp. Nhà trường đã trực tiếp trao đổi với phụ huynh học sinh để xử lý. Cùng với đó, Ban Giám hiệu đã thắt chặt việc quản lý, sát sao theo dõi học sinh, đảm bảo các em thực hiện đúng nội quy, quy định của nhà trường. 

Theo bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Thị Hà Tuyên, Khoa Lao ngoài phổi, bệnh phổi, phục hồi chức năng, Bệnh viện Bệnh phổi tỉnh, trong thuốc lá điện tử có chứa một lượng lớn nicotin cùng nhiều chất độc hóa học. Chúng làm ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ vị thành niên, là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính… cùng nhiều nguy cơ về sức khỏe khác như ung thư miệng, ung thư thanh quản, tai biến mạch máu não… Nicotin và các chất hóa học trong thuốc lá điện tử còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản cả nam giới và nữ giới. Người hít phải khói thuốc thụ động cũng hấp thu lượng nicotin và chất độc hóa học như người hút thuốc bình thường.

Nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử tiếp cận với lứa tuổi học trò, trước tiên cần sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các thầy cô giáo và phụ huynh trong việc quản lý, nâng cao nhận thức cho các em học sinh.

Tin cùng chuyên mục